Cảnh sát Trung Quốc bắt giữ nhóm hacker chuyên dùng ChatGPT phát triển mã độc, nhằm thực hiện các cuộc tấn công ransomware.
Theo Tân Hoa Xã ngày 29/12, đây là nhóm tin tặc dùng ChatGPT để tấn công mã độc đầu tiên bị bắt tại Trung Quốc. Trước đó, cơ quan chức năng tại quốc gia tỷ dân đã vào cuộc sau khi nhận trình báo của một công ty ở Hàng Châu về việc dính phần mềm tống tiền (ransomware) và bị hacker ép trả tiền chuộc 20.000 USDT nếu muốn khôi phục quyền truy cập.
Đến cuối tháng 11, cảnh sát đã bắt giữ bốn người, trong đó có hai người ẩn náu tại Bắc Kinh. Nhóm này thú nhận đã tạo mã độc và dùng ChatGPT để tối ưu hóa. Sau đó, chúng tiến hành quét các lỗ hổng bảo mật, xâm nhập và cấy mã, gửi tin nhắn tống tiền.
Giao diện ChatGPT trên điện thoại. Ảnh: Bảo Lâm
Nhóm tin tặc sẽ bị xét xử với cáo buộc tấn công mạng, nhưng chưa rõ việc sử dụng ChatGPT có phải là tình tiết tăng nặng hay không. Theo SCMP, thời gian qua, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách quản lý các mô hình AI phát triển bởi công ty nước ngoài và sản phẩm của OpenAI hiện nằm trong vùng xám pháp lý.
Còn theo Reuters, đây không phải lần đầu Trung Quốc gặp rắc rối khi kẻ xấu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo. Ngay từ tháng 2, Bắc Kinh đã đưa cảnh báo về việc ChatGPT bị lợi dụng để lan truyền tin giả. Vào tháng 5, cảnh sát tỉnh Cam Túc bắt giữ người đàn ông họ Hong vì dùng ChatGPT bịa chuyện 9 người thiệt mạng trong tai nạn tàu hỏa. Những bài viết giả này đã lách qua được lớp kiểm duyệt trên mạng xã hội Baidu và thu hút hơn 15.000 lượt xem.
Đến tháng 8, cơ quan chức năng Hong Kong tiếp tục triệt phá đường dây lừa đảo deepfake gồm 6 thành viên. Nhóm này đã sản xuất các video và hình ảnh người dùng giả để đăng ký hơn 70 tài khoản vay tại nhiều tổ chức tài chính và chiếm đoạt tiền.
ChatGPT không được triển khai chính thức ở Trung Quốc, nhưng người dùng vẫn có thể truy cập thông qua các mạng riêng ảo (VPN).